Chính sách

Chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam

Lĩnh vực : Đầu tư

Vị trí : Tất cả

Với mong muốn thực hiện các hoạt động đầu tư tại Việt Nam, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cần có cái nhìn tổng thể về những chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của nhà nước mà họ có thể được hưởng.

1) Chính sách ưu đãi về tài chính:

Ưu đãi về thuế là chính sách được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất khi thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Lộ trình điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ 32% (năm 1997), xuống 25% (năm 2009), xuống 22% (năm 2014) và gần đây nhất là 20% (năm 2016) đã tạo một bước tiến lớn giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước “hào hứng” hơn với việc tiến hành kinh doanh trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cũng quy định về mức thuế suất ưu đãi, thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với các doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao; sản xuất các sản phẩm phần mềm; hoạt động trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa,… nhằm thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quan tâm đến các lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, thuế xuất nhập khẩu (XNK) cũng góp phần tạo nên một môi trường thuận lợi, hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Theo đó, luật thuế xuất nhập khẩu (XNK) cho phép miễn thuế nhập khẩu cho các trường hợp hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án khuyến khích đầu tư; dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất của các dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư,… cùng với đó là sự ra đời những hiệp định về ưu đãi thuế xuất nhập khẩu (XNK) trong phạm vi các nước ASEAN, WTO đã giúp các nhà đầu tư giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất sản xuất, xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh ở thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Về chính sách tín dụng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã đưa ra những chính sách hỗ trợ về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam (VNĐ) ở mức 9% đối với nhu cầu vốn trong 5 lĩnh vực phục vụ nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

2) Chính sách ưu đãi về đất đai:

Nghị định 121/2010/NĐ-CP sửa đổi bổ sung của nghị định 142/2005/NĐ-CP, Chính phủ đã thông qua việc miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền sử dụng đất; đối tượng miễn nộp tiền thuê đất trong các trường hợp dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư được đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án sử dụng đất xây dựng nhà chung cư cho công nhân của các khu công nghiệp; dự án sử dụng đất xây dựng ký túc xá sinh viên bằng tiền từ ngân sách nhà nước,…

Ngoài ra để kêu gọi đầu tư, nhà nước cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ về chuyển giao công nghệ, đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ đầu tư phát triển và dịch vụ đầu tư, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Bên cạnh chính sách chung theo quy định của pháp luật Việt Nam, các nhà đầu tư có thể tham khảo các chính sách khuyến khích về mặt bằng thực hiện dự án, chi phí quảng cáo, thưởng môi giới đầu tư,… từ các địa phương mà mình tiến hành kinh doanh, tạo dụng cơ sở.

Back to top